Chúng ta thường cảm thấy khó khăn khi từ chối một ai đó vì sợ đối phương buồn hay ngại phải nói “không” trước những lời đề nghị quá ư là khẩn thiết. Làm sao bạn có thể từ chối không áy náy khi chẳng muốn thực hiện điều ấy chút nào?
Có những tình huống hằng ngày mà bạn bắt buộc phải nói “không”, tuy nhiên đối với một số người thì việc nói lời từ chối chẳng hề dễ dàng tí nào vì sợ mất lòng. Nếu bạn cảm thấy bối rối, hãy thử áp dụng 6 cách sau đây để từ chối không áy náy nhé!
1. Sắp xếp thứ tự ưu tiên cho bản thân mình
Khi một ai đó nhờ vả, chúng ta thường có tâm lý một nửa muốn giúp một nửa lại nửa không. Khi bạn còn đang phân vân, bạn nên sắp xếp thứ tự ưu tiên những người quan trọng bạn muốn giúp đỡ, hoặc những việc, sự kiện bạn cần làm trước tiên để đưa ra quyết định.
Trước khi bạn xây dựng mối quan hệ với những người khác, bạn cũng nên hiểu điều gì là quan trọng đối với bạn và điều gì là không quan trọng. Hãy lập danh sách những người thân hay công việc mà bạn muốn dành thời gian nhiều nhất. Khi bạn đã có thứ tự ưu tiên cho riêng mình và gặp các tình huống tương tự, bạn sẽ biết mình nên dành thời gian cho việc gì và cho ai trước tiên.
Điều này cũng tránh được việc bạn cảm thấy bản thân mâu thuẫn khi đã đưa ra quyết định vội vàng hoặc lãng phí thời gian đưa ra câu trả lời đồng ý giúp hay không với nhờ vả của ai đó.
2. Đánh giá những việc ngoài khả năng của bạn
Một số người sẽ kiên trì với sự yêu cầu giúp đỡ, thậm chí nài nỉ bạn. Thông thường đây sẽ là những người thân trong gia đình hoặc bạn bè, đồng nghiệp thân thiết. Thế nhưng có một số trường hợp khiên cưỡng nằm ngoài khả năng và bạn nên học cách nói từ chối mà không khiến người khác phật ý.
Trong một số trường hợp, bạn cũng chỉ nên động viên người bạn của mình thay vì giải quyết vấn đề giúp họ. Vì nếu bạn luôn chấp nhận những yêu cầu hay nhờ vả, bạn sẽ trở thành chiếc “phao cứu sinh” mỗi khi ai đó gặp khó khăn. Ví dụ, anh trai bạn muốn vay một khoản tiền lớn để đổi xe mới trong khi bạn đang dành dụm tiền tiết kiệm để mua nhà. Trong những trường hợp này, nếu bạn không thể giúp, hãy trả lời một cách dứt khoát.
Hãy nhớ rằng bạn có thể an ủi, khích lệ tinh thần và đưa ra lời khuyên, nhưng không thể giúp một việc nằm ngoài khả năng của mình. Cuối cùng, người đó buộc phải mạnh mẽ vượt qua khó khăn mà thôi.
3. Thực hành nói “không” trong nhiều tình huống
Một số người cảm thấy khó khăn khi từ chối lời đề nghị, cho dù bạn thật sự không sẵn sàng thì bạn cũng khó có thể nói “không”. Tất cả những gì bạn suy nghĩ kiểu lý trí sẽ chỉ là lý thuyết trừ khi bạn bắt đầu thực hành nói “không” với một ai đó.
Để bắt đầu, bạn có thể chọn các tình huống đơn giản và ít rủi ro nhất. Bạn có thể nói “không” một người phục vụ khi họ mời bạn dùng thêm món tráng miệng trong quán cà phê. Hoặc khi bạn ở nhà một mình, hãy soi gương và tập lặp lại từ “không” 10 lần.
Việc thực hành nói “không” sẽ giúp bạn có cảm giác tự tin và không còn áp lực khi từ chối người khác trong nhiều tình huống ở tương lai. Suy cho cùng, bạn cũng không muốn ép bản thân làm việc mình không thực sự muốn.
4. Giải thích lý do vì sao bạn từ chối
Đôi khi bạn từ chối yêu cầu của một ai đó, hãy nói cho họ biết lý do. Điều này sẽ khiến người đề nghị bớt tổn thương, vì bạn đã đưa ra lời giải thích hợp lý và đối phương sẽ tôn trọng quyết định của bạn.
Bạn không nên đưa ra một lời giải thích dài dòng hay chi tiết, chỉ cần nói cho họ biết về hoàn cảnh tại sao bạn từ chối giúp đỡ. Ví dụ, có thể bạn có cuộc hẹn với bác sĩ, bạn quá mệt mỏi và bạn cần nghỉ ngơi, hoặc bạn không muốn giúp vì một số lý do khác.
Đừng hứa những lời hứa suông vì khi bạn không thực hiện được sẽ khiến người khác thất vọng hơn. Hãy trung thực và đối phương sẽ thông cảm cho lý do của bạn.
5. Tỏ ra đồng cảm nếu bạn không thể giúp đỡ
Chúng ta không nhất thiết phải dùng thái độ dửng dưng, lạnh nhạt khi từ chối một ai đó, vì đôi khi họ đang gặp một khó khăn thật sự. Những trường hợp như thế này, bạn nên cho họ thấy rằng bạn thông cảm cho hoàn cảnh của họ.
Đôi khi bạn không cần đưa ra lời khuyên hay giải quyết vấn đề giúp ai đó, bạn chỉ cần lắng nghe và để người đó biết rằng bạn không hề bỏ mặc họ. Điều này cũng giúp tâm lý bạn bớt đi phần nào gánh nặng vì đã không giúp đỡ được người khác.
Lời khuyên sẽ giúp người cần giúp cảm thấy tốt hơn một phần nào đó về mặt tinh thần, bớt hụt hẫng và lời từ chối của bạn cũng trở nên nhẹ nhàng và đỡ áy náy hơn.
6. Đề xuất một phương án khác cho đối phương
Đây có lẽ là cách dễ nhất để từ chối một ai đó khi bạn nhận được một cuộc hẹn hay tham gia một hoạt động nào đó. Bạn có thể cho họ một phương án khác để họ có hướng giải quyết và an tâm hơn.
Ví dụ, bạn trai của bạn mời bạn đi chơi và bạn phải từ chối vì bận họp đột xuất, hãy hứa hẹn gặp anh ấy vào một ngày cụ thể. Điều quan trọng nhất trong trường hợp này là bạn sẽ cố gắng thực hiện lời hứa của mình.
Đề xuất một phương án khác sẽ khiến người đối diện tin tưởng rằng bạn phải từ chối là có lý do bất đắc dĩ chứ không phải vì họ không đủ quan trọng với bạn.
Đừng lo lắng khi phải nói “không” vì bất cứ ai cũng có quyền được nói lời từ chối. Hãy nắm bắt những yếu tố tâm lý trên đây và khéo léo ứng xử khi từ chối một ai đó, điều này sẽ giúp bạn không phải dằn vặt bản thân và đối phương cũng sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn!