Đến hành động nhặt được của rơi trả người đánh mất, xứng đáng để khen ngợi cũng có thể bị người ta nghi ngờ, thử hỏi phải làm sao để vừa lòng búa rìu dư luận.
Khi xã hội ngày càng phát triển, người ta làm nhục người khác bằng ngôn từ, đến mức bạo lực ngôn từ trên mạng xã hội.
Mạng xã hội giúp người ta có thể ẩn mình trước người khác vì thế nên người ta mải mê, thỏa thích khi mắng, chửi rủa, lên án một ai đó một cách rất dễ dàng. Người ta dựa vào mạng xã hội để thể hiện quan điểm cá nhân, thể hiện cái tôi của mình
Mà cũng thật là lạ, dường như những câu chuyện đẹp như người ta giúp nhau đẩy xe giữa đường ngập nước thì không được chia sẻ nhiều bằng những đời sống riêng tư, những ồn áo tình ái của một ngôi sao nào đó.
Một người phát ngôn hồn nhiên trước công chúng cũng có thể khiến người ta cười vào mặt. Họ dùng những lời lẽ chua cay dành cho cô gái trẻ chập chững bước vào đời. Họ cảm thấy rất hả hê, mừng vui khi phán xét, lăng nhục, làm đau một ai đó…
Đôi khi chỉ cần một câu nói, một phát ngôn khác người cũng sẽ bị biết bao nhiêu sự chỉ trích, đàn áp tinh thần khiến họ phải vội vã khóa facebook để lánh nạn cho yên thân.
Mạng xã hội rất quan trọng, nó giúp kết nối người ta lại với nhau cho dù cách xa về khoảng cách địa lý. Nhưng nếu không tỉnh táo, chính người sử dụng sẽ bị sập bẫy. Những cái xấu xí của chúng ta vô tình được đánh thức bởi sự tác động rất lớn của mạng xã hội. Những câu chửi dành cho những kẻ phạm tội, phạm pháp, lầm lỡ xuất hiện nhan nhản. Người ta mặc kệ cái tốt cái xấu trong con người mình mà buông ra những lời nói bạc bẽo như thế.
Nhiều giáo viên không dám to tiếng, nặng lời với học sinh, không dám dạy dỗ các em theo cách riêng của mình vì sợ bị đưa lên mạng xã hội. Những người chơi chương trình truyền hình không trả lời được các câu hỏi dễ cũng bị cười cợt, chế giễu và bị chế ảnh tràn lan trên mạng.
Không phải ai cũng may mắn có người thân, bạn bè bên cạnh mọi lúc. Nhiều người không chịu nổi sức ép từ dư luận đã bị trầm cảm, sống khép mình, tự ti không đứng dậy được, thậm chí đi vào ngõ cụt của cuộc đời.
Mới đây có chuyện một chàng sinh viên chạy xe ôm, trả lại số tiền lớn cho khách để quên. Đấy vốn tưởng sẽ chẳng có ai bắt bẻ hay nói gì được, ấy vậy mà vẫn có người nói rằng anh chàng sinh viên kia ban đầu cũng có lòng tham, biết không nuốt trôi nên mới tìm đem trả lại cho người ta, nếu nó không trả thì ngày mai công an cũng sẽ tìm đến. ….
Hành động xứng đáng được khen ngợi như vậy mà cũng có thể bị nghi ngờ, làm sao để sống vừa lòng dư luận?
Vết thương da thịt sẽ lành theo năm tháng, nhưng những nỗi đau về tinh thần đâu thể dễ dàng lành sẹo. Chúng ta hãy biết im lặng, biết lắng nghe, biết cảm thông. Bởi biết đâu được sự im lặng của ta là cơ hội cho họ sữa chữa lỗi lầm, đứng dậy và bước đi. Khen chê là quyền của mỗi cá nhân nhưng chê đến mức góp phần đẩy người ta vào cảnh trầm cảm, ngõ cụt, suy sụp mà mất hằng năm, chục năm để lành thì có nên hay không? Nhiều người có thể hủy hoại cuộc sống của chính mình vì những lời trên mạng. Trước khi chúng ta mở lời chê trách một ai đó, chúng ta thử nhìn nhận bằng trái tim, xin hãy đặt mình vào vị trí của người khác.
Mạng xã hội có người này người kia, nhưng chung quy lại vẫn thiếu tình người, thiếu sự cảm thông, yêu thương, dường như người ta đang để cái sự vô tâm, thờ ơ lộng hành mà không hề hay biết.