Sức khỏe tâm lý ở nơi làm việc là chuyện mọi người. Nhân viên, nhà quản lý, và nhà lãnh đạo đều có vai trò trong vấn đề này. Đó là xác định xem bạn có thể làm gì để thúc đẩy sức khỏe tâm lý lành mạnh, hỗ trợ người khác và quan trọng là chăm sóc sức khỏe của chính mình.
Tạo lập một nơi làm việc lành mạnh về tinh thần có những mặt tích cực rõ ràng cho toàn bộ nhân viên.
Ở mức độ cá nhân, bạn có lợi từ việc giảm tải căng thẳng, cải thiện cân bằng giữa cuộc sống và công việc, và tiếp cận sự trợ giúp nếu bạn đang trải qua vấn đề tâm lý.
Trong khi năng suất và lãi suất là những ưu tiên hàng đầu cho các ông chủ, nhân viên cũng sẽ được lợi khi làm việc cho một doanh nghiệp đang làm ăn thuận lợi. Công việc ổn định hơn, thưởng nhiều hơn và sự tự tin nói chung cũng sẽ cao hơn.
Giảm thay đổi nhân sự cũng cho những kết quả thuận lợi cho sự gắn kết và mối quan hệ của cả nhóm. Không ai vui khi bạn bè và đồng nghiệp nghỉ việc, và thay đổi liên tục trong quan hệ làm việc của nhóm cũng có thể làm bất cứ ai liên quan cảm thấy không thoải mái.
Bạn có thể làm gì
Mọi nhân viên đều đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình thái độ nơi công sở và môi trường làm việc nói chung.
Điều này phản ánh qua cách bạn đối xử với đồng nghiệp, làm việc theo nhóm và tham gia vào các hoạt động ở nơi làm việc để cải thiện sức khỏe, an toàn và niềm vui sống.
10 điều bạn có thể làm để tạo nên sự thay đổi:
- Nói chuyện cởi mở về sức khỏe tâm lý ở nơi làm việc.
- Chia sẻ trải nghiệm cá nhân về vấn đề tâm lý của bản thân (nếu thoải mái).
- Khuyến khích giao tiếp cởi mở khi có vấn đề phát sinh và giúp tìm giải pháp.
- Tôn trọng người khác và cởi mở với sự khác biệt.
- Sẵn sàng tìm hiểu về các vấn đề sức khỏe tâm lý và về trải nghiệm của những người khác.
- Tôn trọng sự riêng tư của người khác
- Là một hình mẫu tích cực – hãy hành động một cách thật lòng và thúc đẩy nét văn hoá tạo cảm hứng cho mọi người nỗ lực.
- Lên tiếng nếu bạn thấy hành vi bắt nạt, quấy rối, hay phân biệt đối xử.
- Hợp tác với những chính sách và quy trình làm việc, và ủng hộ những sáng kiến nhằm cải thiện sức khoẻ tâm lý ở nơi làm việc.
- Tìm hiểu xem nơi làm việc có thể hỗ trợ bạn những việc gì và bạn có thể tiếp cận với sự trợ giúp như thế nào khi cần thiết.
Quản lý mức độ căng thẳng ở nơi làm việc
Căng thẳng là một phần bình thường của cuộc sống, và ở nơi làm việc cũng vậy. Một số căng thẳng cũng có thể có ích. Dưới áp lực của deadline, chúng ta thường có khả năng hoàn thành công việc nhanh hơn, hoặc tìm ra một giải pháp mới và sáng tạo cho một vấn đề. Cũng như thế, hầu hết công việc và môi trường làm việc đều có những yếu tố gây căng thẳng. Nhưng khi kéo dài hoặc quá tải thì căng thẳng liên quan tới công việc có thể trở thành một yếu tố nguy cơ đối với lo âu hoặc trầm cảm. Bằng cách hỏi thăm nhân viên về những vấn đề gây căng thẳng, người sử dụng lao động có thể hành động để giảm bớt hoặc loại trừ những vấn đề này trong phạm vi phù hợp.
Bạn có thể giúp quản lý mức độ căng thẳng của mình bằng cách xác định những yếu tố gây ra căng thẳng cho bản thân ở nơi làm việc và hợp tác với cấp trên để giải quyết chúng. Tìm kiếm một sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống phù hợp với bạn, nghỉ ngơi định kỳ và hãy lên tiếng từ sớm khi bạn cảm thấy quá tải là những cách chủ động mà mọi người đều có thể thực hiện để chăm sóc sức khoẻ tâm lý cho bản thân.
Hỏi thăm đồng nghiệp
Chúng ta dành hầu hết thời gian trong ngày cùng đồng nghiệp, nên có thể dễ dàng phát hiện ra những thay đổi trong tâm trạng hay hành vi của họ. Đối với một số người, việc không chắc câu chuyện sẽ diễn ra thế nào hay sợ làm mất lòng người kia sẽ ngăn cản họ nói chuyện với người họ quan tâm. Hỏi thăm có thể là cú hích mà đồng nghiệp bạn cần để bắt đầu hành động. Hãy cố gắng hiểu tình hình của họ và động viên họ tìm kiếm sự giúp đỡ.
Hãy giúp họ tìm thông tin và dịch vụ trợ giúp chuyên sâu hơn, bởi việc này có thể là quá sức đối với một người trầm cảm và/hoặc lo âu. Nhắc bản thân rằng điều này không khác gì nói chuyện với ai đó về cảm xúc của họ—chỉ là chủ đề hơi tinh tế hơn một chút.
Đừng lo nếu bạn không biết phải nói gì. Chỉ cần thông cảm và lắng nghe là bạn đã tạo ra sự khác biệt. Bạn không cần có mọi câu trả lời—cái chính là cuộc trò chuyện và sự trợ giúp mà bạn đưa ra bằng cách lắng nghe. Hãy nhớ rằng, cởi mở trò chuyện về sức khoẻ tâm lý ở nơi làm việc sẽ làm giảm sự kỳ thị và khuyến khích mọi người tìm kiếm sự giúp đỡ.
Giúp đỡ ai đó đang gặp vấn đề về tâm lý
Có nhiều điều tích cực bạn có thể làm cho đồng nghiệp đang trải qua vấn đề về tâm lý:
- Tỏ ý bạn nhận thấy có sự thay đổi trong hành vi của họ
- Gợi ý họ đi gặp bác sỹ
- Đề nghị giúp đỡ và đặt lịch hẹn và tìm hiểu thông tin sâu hơn
- Trò chuyện cởi mở về lo âu và trầm cảm
- Giới thiệu họ tới những trợ giúp ở nơi làm việc
- Động viên họ vận động, ăn uống lành mạnh và tham gia vào các hoạt động xã hội
- Trân trọng việc họ cởi mở và chia sẻ câu chuyện với bạn
Đồng thời, tránh:
- Tạo áo lực họ phải thoát ra khỏi lo âu/trầm cảm, điều chỉnh hành vi hay vui vẻ lên
- Tránh né họ
- Khuyên họ chỉ cần giữ cho mình bận rộn hoặc ra ngoài nhiều hơn
- Cho rằng vấn đề sẽ tự biến mất
Tạo nên một nơi làm việc lành mạnh về tinh thần không phải là trách nhiệm của riêng ai. Điều này yêu cầu sự tận tâm và sự tham gia của mọi thành viên trong tổ chức. Cùng nhau, bạn có thể tạo nên một môi trường làm việc thông cảm, tương tác, hiệu quả và có lợi cho tất cả mọi người.