Theo JLL Việt Nam, các dự án cao cấp tại Tp.HCMvẫn là tâm điểm rót vốn của các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài.
JLL chỉ ra, 10 năm trước, dòng vốn FDI chỉ chỉ tập trung ở một số tên tuổi quen thuộc trên thị trường như Keppel Land, Capitaland với các dự án BĐS cao cấp đầu tiên tại Việt Nam như The Estella hoặc The Vista được đưa ra chào bán trên thị trường. Với tổng nguồn cung căn hộ cao cấp tại Tp.HCM thời đó là khoảng 1.700 căn, trong đó có khoảng 1.000 căn đến từ các dự án có vốn FDI. Đây là một tỷ trọng rất nhỏ so với cả một lượng dân số 6.85 triệu người theo thống kê quý 4/2007.
Theo JLL, dù nguồn cung tham gia thị trường của các dự án có vốn FDI không cao nhưng với mức giá bình quân 2.800 USD/m2 (tỷ giá 16.112 VND/USD) từ các dự án này, tăng 86% so với thời điểm mở bán cách đó một năm đã tạo ra sự mất cân bằng cung-cầu ảo, đẩy mặt bằng giá vượt khả năng chi trả của người mua nhà có nhu cầu ở thực sự.
BĐS cao cấp vẫn là phân khúc thu hút dòng vốn mạnh nhất từ NĐT nước ngoài
Thời điểm đó, thị trường đã từng xuất hiện hiện tượng người mua nhà phải xếp hàng dài để tranh nhau những ‘suất mua’ khan hiếm của những sản phẩm này do tình trạng đầu cơ ảo. Trong giai đoạn này, tỷ suất sinh lợi kỳ vọng của các dự án đầu tư BĐS của các NĐT nước ngoài thường ở mức 30% – 35%. Đây là mức sinh lợi rất cao và hấp dẫn đối với các dự án BĐS, dẫn đến tình trạng vốn FDI đăng ký đầu tư BĐS, chủ yếu đến từ các quốc gia khu vực châu Á, cao kỷ lục trong năm 2008, lên đến 23 tỷ USD, chiếm hơn 30% tống vốn FDI đăng ký (trong 3 năm trở lại đây, tỷ lệ này đang duy trì ở mức 7%-9%).
Vào khoảng tháng 3/2008, trước áp lực tăng trưởng quá nóng của thị trường trong năm 2007 và sự ảnh hưởng của suy thoái kinh tế tài chính toàn cầu, các công cụ tài chính tiền tệ dường như không thể kiểm soát nổi khi sự gia tăng liên tục không ngừng của lãi suất cho vay, có lúc lên đến 25%, và lạm phát đỉnh điểm ở mức 23%. Thị trường BĐS rơi vào chu kỳ suy thoái và vốn FDI đầu tư vào BĐS cũng giảm lại. Dòng vốn này bắt đầu hồi phục trở lại từ cuối năm 2013, đầu năm 2014.
Và cũng từ đây, thị trường bắt đầu trở nên quen thuộc với những tên tuổi của những chủ đầu tư FDI khác như Hong Kong Land (dự án Nassim), Fraser Centrepoints (dự án Q2 Thảo Điền) hoặc Mappletree (One Veranda). Theo ghi nhận của JLL, đây không phải là những NĐT mới tham gia thị trường Việt Nam mà là đầu tư mở rộng mảng BĐS nhà ở ngoài mảng đầu tư truyền thống xây dựng/sở hữu các tòa nhà văn phòng hạng A/hoặc B hàng đầu ở Hà Nội hoặc Tp.HCM.
Năm 2018 đánh dấu một chặng đường 10 năm kể từ khi suy thoái của thị trường BĐS và gần 5 năm của thị trường trên đà hồi phục. Với các chính sách tiền tệ dự kiến sẽ duy trì trung lập để hỗ trợ tăng trưởng, khi những dòng vốn FDI hàng trăm triệu đô la Mỹ sẵn sàng đổ vào thị trường BĐS Việt Nam, theo JLL, thị trường BĐS sẽ tiếp tục tăng trưởng. Hoạt động mua bán sát nhập (M&A) và đầu tư trực tiếp sẽ tiếp tục đón nhận những kỷ lục mới. “Trong đó, nguồn vốn từ các NĐT uy tín như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc…vẫn tập trung mạnh mẽ vào dòng sản phẩm BĐS cao cấp”, bà Khanh Nguyễn, Giám đốc bộ phận thị trường vốn tại Việt Nam, JLL khẳng định.