Căn hộ studio là gì?
Studio là tên gọi để chỉ những căn hộ không vách ngăn, có diện tích dao động trong khoảng 25 – 65m2. Một tên gọi khác của loại hình căn hộ này là “bachelor” hoặc “efficiency”. Căn hộ này có nguồn gốc từ Anh, được thiết kế dành cho đối tượng học sinh, sinh viên và người độc thân mua hoặc cho thuê tại khu vực trung tâm thành phố.
Căn hộ studio có đặc thù là diện tích nhỏ nên tất cả các phòng trong căn hộ như phòng ngủ, phòng khách, phòng bếp được thiết kế chung trong một không gian, ngoại trừ phòng tắm sẽ được quây lại trong một góc riêng của căn nhà. Có một vài trường hợp khu vực này được thiết kế bằng cách lắp kính trong suốt nhằm làm tăng tầm nhìn trong căn nhà.
Với đặc tính là sự nhỏ gọn và đơn giản, căn hộ dạng này được phát triển nhằm hướng đến các đối tượng sống độc thân hoặc những đôi vợ chồng mới cưới nhưng chưa có con. Mức giá cho mỗi căn hộ studio phù hợp với phân khúc thu nhập tầm trung bình – khá.
Tại Việt Nam, loại hình căn hộ studio hầu hết được thiết kế với diện tích 42m2, và bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều trong những năm gần đây. Một số dự án phát triển loại hình căn hộ studio có thể kể đến như Sunshine Garden (Hà Nội), căn hộ trung tâm Thảo Điền (quận 2), căn hộ Diamond Sunview Town (quận Thủ Đức).
Nhìn chung, diện tích các căn hộ studio tại thị trường Việt Nam phổ biến nằm ở khoảng từ 25 – 45m2 và có giá bán trung bình từ 800 triệu – 1,7 tỉ đồng/căn.
Ưu điểm của căn hộ studio
Do đặc thù loại hình là diện tích nhỏ nên giá bán không quá cao, phù hợp với khả năng tài chính của đại đa số người dân, đặc biệt là các đối tượng độc thân (từ 18 – 30 tuổi) hoặc mới lập gia đình.
Thông thường, những căn hộ studio được xây dựng nằm trong khu vực nội thành. Yếu tố này đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện cho người sử dụng.
Do không có vách ngăn giữa các phòng nên sẽ tiết kiệm năng lượng từ việc chiếu sáng trong căn hộ, cũng như công đoạn dọn dẹp được dễ dàng, nhanh chóng hơn. Ngoài ra, do không gian trong căn hộ có phần hạn hẹp nên bạn cần có sự sắp xếp hợp lý, nếu không sẽ khiến căn hộ trở nên chật hẹp hơn.
Song, ngoài việc lau chùi dọn dẹp được hạn chế, yếu tố trên còn giúp bạn tiết kiệm được chi phí cho việc trang trí nội thất cho từng không gian phòng trong nhà. Bạn không cần trang trí quá nhiều bóng đèn, quạt hay máy lạnh ở mỗi phòng, thay vào đó bạn chỉ cần mua sắm mỗi thứ một món duy nhất. Khoản chi phí cho việc trang trí này có thể tốn kémtừ vài trăm triệu đồng nếu bạn sở hữu một căn hộ có quá nhiều phòng.
Nhược điểm căn hộ studio
Với diện tích chật hẹp, bạn cần sắp xếp cân đối các không gian trong nhà sao cho hợp lý. Không những vậy, việc bố trí các vật dụng cũng cần sự khéo léo. Nếu sự sắp xếp không hài hòa, vô tình bạn đẩy căn nhà của mình rơi vào cảnh “chuồng lợn”.
Chính vì vậy, sự bố trí nội thất và vật dụng nhằm tạo sự cân xứng là vô cùng quan trọng, bạn có thể biến căn nhà của mình trở nên chật chội, hoặc thiếu diện tích sinh hoạt, thậm chí dẫn đến rối mắt, rườm rà, bừa bộn nếu không cân nhắc kỹ việc này.
Điểm mạnh nhưng cũng đồng thời là điểm yếu, đó là sinh hoạt tất cả các hoạt động ở cùng một không gian sẽ khiến bạn dễ nhàm chán. Nếu có thêm một vài người bạn đến chơi, chắc chắn bạn sẽ mất đi sự riêng tư, thoải mái khi nghỉ ngơi, sinh hoạt; hoặc có thể bất tiện hơn khi giường ngủ của bạn nằm gần tủ lạnh, máy giặt do không gian quá hẹp, (có những căn hộ không có cả không gian phòng khách) điều này về lâu dài sẽ không tốt cho sức khỏe.
Chưa kể, bất cứ căn hộ nào khi sử dụng lâu dài cũng đều phải tu sửa, bảo hành. Theo quy định của pháp luật về thời hạn sử dụng nhà chung cư, loại hình này chỉ có thời hạn sử dụng trong vòng 20 – 25 năm. Vì thế, nếu muốn chọn ở lâu dài, bạn nên cân nhắc kỹ trước khi chọn loại hình nhà này để ở.
Ngoài ra, căn hộ này thường được thiết kế dành cho người độc thân, vợ chồng mới cưới chưa có con cái, hoặc các căn nhà ở theo dạng cho người thu nhập thấp. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa căn hộ studio không thể tạo được phong cách.
Cải tạo không gian
Theo các chuyên gia về thiết kế kiến trúc, những căn hộ loại lớn hoàn toàn có thể biến thành căn hộ studio nếu gia chủ có yêu cầu và được tư vấn hoàn thiện. Tức là, trong một căn hộ loại lớn, bạn hoàn toàn có thể biến chúng thành căn hộ dạng studio theo nhu cầu và sở thích của mình.
Bởi không gian căn hộ studio chỉ là “một không gian cho mọi sinh hoạt”, nắm bắt được bản chất này, bạn có thể biến tấu căn nhà của mình thành nhiều không gian nhỏ, có thể cho bạn bè vào ở cùng, hoặc cho thuê để kiếm thêm thu nhập, hoặc đơn giản là tạo ra một góc riêng để bản thân thư giãn sau những giờ làm việc mệt mỏi.
Một lời khuyên khác từ các kiến trúc sư cho không gian nhà này là cất giữ đồ đạc vào những không gian tự tạo, chẳng hạn như dưới giường, dưới ghế sofa, trong tủ âm tường,… nhưng lưu ý nên tránh chất đống quá nhiều ở khu bếp vì cần đề phòng các trường hợp hỏa hoạn.
Lý tưởng nhất cho căn hộ là sử dụng một sản phẩm đồ gỗ kết hợp với nhiều chức năng, ví dụ như sofa có thể vừa là giường, vừa là bàn ăn, bàn làm việc, nơi để truyền hình hoặc các vật dụng cá nhân khác.
Bên cạnh đó, bạn có thể sáng tạo cách sử dụng các tường ngăn đểtạo thành vách lửng, màn che, rèm cửa để phân vùng không gian. Nếu bạn biết khéo léo sắp xếp thì chính các vật dụng nội thất trong nhà cũng sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ phân chia không gian riêng biệt nhưng vẫn đảm bảo sự hài hòa. Đây là cách tận dụng diện tích căn hộ khá thông minh bởi vách ngăn có thể cung cấp cho bạn thêm những không gian sử dụng mà không ảnh hưởng tới diện tích sàn cố định.
Ngoài ra, bạn còn có thể tận dụng những ô cửa sổ cũng như lựa chọn màu sơn và giấy dán tường phù hợp với căn hộ studio, vừa để tăng tính thẩm mỹ, vừa để tạo không gian căn hộ thêm phần tươi mới hoặc sáng sủa.
Dù là loại hình nhà ở nào, nếu bạn biết cách tận dụng mọi vật dụng và không gian cho hợp lý thì chắc chắn căn nhà của bạn sẽ đẹp và có giá trị hơn. Việc biến tấu căn nhà không những giúp bạn sống trong không gian mình yêu thích, mà đôi khi còn cải thiện chất lượng trải nghiệm căn nhà của chính mình.