Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng trưởng mạnh trong lĩnh vực bất động sản (BĐS). Các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng lựa chọn những khu đất rộng lớn, hoặc có vị trí đắc địa để lập dự án. Một số tập đoàn tiết lộ đang tích cực tìm kiếm những quỹ đất rộng hàng trăm ha tại Hà Nội và TP.HCM để xây các khu đô thị.
Xây căn hộ cao cấp, làm khu đô thị mới
Khu Nam TP.HCM được đánh giá có nội lực phát triển mạnh mẽ sau khu Đông. Khu vực này đang dần chiếm ưu thế khi hạ tầng ở kết nối, tạo nhiều dư địa tăng trưởng cho BĐS. Đây cũng là khu vực tập trung nguồn vốn tư nhân và vốn nước ngoài với tỉ trọng lớn.
Theo Sở giao thông vận tải TP.HCM, các nút thắt hạ tầng giao thông tại khu Nam sẽ được tháo gỡ trong năm 2018-2019. Cụ thể, cầu Thủ Thiêm 4 kết nối quận 4 và quận 2, cầu Kênh Tẻ 2, cầu vượt giao lộ Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ… là những dự án buộc phải triển khai ngay.
Thị trường bất động sản dịch chuyển nhờ các thông tin hạ tầng trên. Nhiều chủ đầu tư nhanh nhạy đã nắm giữ quỹ đất tại khu Nam mấy năm qua hiện đang tích cực triển khai dự án. Không chỉ giới đầu tư trong nước mà các tập đoàn BĐS nước ngoài cũng nhận ra tiềm năng của khu Nam thành phố.
Nếu các tập đoàn khác tập trung phát triển các khu đô thị mới, thì một số nhà đầu tư Nhật Bản lại lựa chọn đầu tư vào các chuỗi căn hộ cao cấp. Điển hình là tập đoàn Sanyo Homes, một tên tuổi nổi tiếng với 50 năm phát triển các dự án bất động sản tại Nhật Bản, đã bước chân vào khu Nam với dự án căn hộ Ascent Lakeside thông qua sự hợp tác với Công ty BĐS Tiến Phát. Tập đoàn này cho biết, họ chọn khu Nam vì môi trường sống hiện đại, bên cạnh vấn đề về hạ tầng.
“Khu đất chúng tôi chọn xây dựng khu căn hộ cao cấp này có vị trí nằm cạnh hồ tự nhiên Tân Mỹ rộng 3,6ha và sông Thầy Tiêu, đối diện là công viên Hương Tràm rộng 20ha. Đây là khu vực tiếp giáp, cận kề Phú Mỹ Hưng. Vị trí này phù hợp để tập đoàn chúng tôi đưa vào các tiện ích và phong cách sống của Nhật Bản đến TP.HCM”, một đại diện Sanyo Homes nói.
Cùng quan điểm về đánh giá dư địa phát triển tại vùng đất mà trước đó Phú Mỹ Hưng đã khai phá, tập đoàn GS E&C đến từ Hàn Quốc đang trong công tác chuẩn bị thực hiện Khu đô thị GS Metrocity Nhà Bè. Dự án GS Metrocity Nhà Bè được chia làm ba phân khu chính, trong đó phân khu A là khu đô thị tuyến tính (Linear) có diện tích hơn 115 ha, phân khu B là khu bán đảo trung tâm (The Center Peninsula) cùng một khu đô thị cửa ngõ (Gateway City) có diện tích gần 58 ha, và phân khu C là khu đô thị công viên (Park City) có diện tích hơn 76 ha. Theo thông tin quy hoạch từ UBND TP.HCM, dự án này sẽ bao gồm nhiều loại hình nhà ở như biệt thự, khu căn hộ chung cư thấp tầng, khu căn hộ chung cư cao tầng, khu nhà ở phức hợp.
Trong khi đó tại phía Tây thành phố – một địa bàn xưa nay ít được nhắc đến trong các chủ đề thông tin về khu đô thị mới – cũng đang thay đổi nhờ sự xuất hiện của một số nhà đầu tư ngoại. Chẳng hạn như dự án khu phức hợp Celadon City ở phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú do tập đoàn Gamuda Land phát triển. Đây là khu đô thị sinh thái, với khuôn viên cây xanh khu rộng hơn 16ha. Đây cũng là dự án thứ hai mà tập đoàn này phát triển tại Việt Nam.
“Chiến lược của chúng tôi là phát triển những khu đô thị với quy hoạch đồng bộ, hiện đại và đẳng cấp. Ngoài yếu tố tiện ích, chúng tôi đưa yếu tố cảnh quan môi trường sống lên hàng đầu. Chính vì vậy, thời gian tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục săn tìm những quỹ đất lớn để làm những khu đô thị xanh với quy mô lên đến hàng trăm ha tại Hà Nội và TP.HCM”, một đại diện của tập đoàn Gamuda Land cho biết.
Bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc bộ phận thị trường vốn của JLL Việt Nam, cho biết các hoạt động mua bán – sáp nhập vẫn tiếp tục trên đà tăng trưởng từ năm 2014 đến nay. Khi thị trường bất động sản ở giai đoạn đỉnh cao vào năm 2007 và năm 2008 có dấu hiệu khủng hoảng, giao dịch mua bán – sáp nhập hầu như rất khan hiếm dù có nhiều dự án muốn chào bán và tìm đối tác. Bắt đầu từ năm 2014-2016, các nhà đầu tư nước ngoài chú ý đến các dự án bất động sản trên thị trường Việt Nam, trong đó nổi bật nhất vẫn là các nhà đầu tư đến từ khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore.
Bốn tháng, hơn 800 triệu USD
Theo Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chỉ trong bốn tháng đầu năm 2018 đã có 883 dự án mới đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký là 3,55 tỉ USD. Trong đó, lĩnh vực hoạt động kinh doanh BĐS đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 807,5 triệu USD. Như vậy, tính luỹ kế đến nay, lĩnh vực kinh doanh BĐS đã thu hút được 51,3 tỉ USD.
Các quốc gia đầu tư mạnh nhất lần lượt gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore. TP.HCM là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất, với tổng số vốn đăng ký là 1,92 tỉ USD. Theo Công ty CBRE Việt Nam, đầu tư vào BĐS mấy năm qua thường tập trung vào thị trường phía Nam, trọng tâm là TP.HCM.
Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc Công ty Jones Lang LaSalle Việt Nam (JLL), cho biết thị trường BĐS Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài ở tất cả các phân khúc. Theo đó, dòng vốn FDI đang chảy vào cả phân khúc căn hộ lẫn các khu đô thị mới. “Thách thức lớn nhất mà nhà đầu tư phải đối mặt là tìm kiếm những tài sản có chất lượng tốt. Mỗi tuần, bộ phận thị trường vốn của JLL tiếp đón từ 5 đến 10 nhà đầu tư nước ngoài. Và nếu nền kinh tế tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng, chúng tôi kỳ vọng sẽ thấy một năm bội thu cho đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong năm 2018”, ông Stephen Wyatt nói.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA), cho biết trong năm 2017, Nhật Bản nằm trong top 3 các quốc gia có nguồn vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp Nhật đã đầu tư vào Việt Nam với các dự án hạ tầng đô thị lớn như Shimizu, Hitachi, Sumitomo Construction…
“Không ít doanh nghiệp Nhật đầu tư vào thị trường BĐS Việt Nam bằng cách mua cổ phần, góp vốn hoặc cho vay để phát triển dự án, kết hợp cùng các doanh nghiệp trong nước để trở thành những doanh nghiệp lớn mạnh… Tiềm năng hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp BĐS của hai nước còn rất lớn trong thời gian tới đây”, ông Châu cho biết.
Theo Đình Dân – Cafeland